Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa xã Quảng Trường

1. NHÀ THỜ THÁI BẢO ĐÔNG QUẬN CÔNG NGUYỄN THIỆN (Xã Quảng Trường)

Nhà thờ họ Nguyễn Đức là nơi thờ Thái bảo Đông quận công Nguyễn Thiện, hiện ở thôn Châu Thanh, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trước năm 1945 thôn Châu Thanh có tên gọi là: thôn Hà Niểu, xã Thạch Phương, tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa.

Đất Thạch Phương xưa và đất Quảng Trường ngày nay là một vùng đất ven sông bồi tụ. Vùng đất nằm bên tả ngạn sông Yên, một con sông bắt nguồn từ miền tây Thanh Hóa qua huyện Như Xuân, Nông Cống xuống cửa lạch Ghép. Tính theo đường chim bay, vùng đất Quảng Trường chỉ cách biển Đông không đến 5 km. Như vậy, vùng đất Quảng Trường là vùng đất mở trong nhiều thế kỷ trước. Vùng đất này luôn luôn trong quá trình bồi đắp đất đai và mở rộng xóm làng định cư. Điều này được khẳng định, quan sát thấy các con hón, lạch của sông Yên chảy vào trong đồng ruộng còn để lại một lớp vỏ sò, hàu, rất dày nằm cách mặt đất canh tác ngày nay sâu khoảng 30 - 40 cm, tuy là vùng đất bồi tụ nhưng Quảng Trường lại nằm dưới chân dãy núi Trường, nằm phía Tây Nam của xã. Có thể nói xóm làng nơi đây được hình thành từ các chân núi và được liên tục mở rộng ra phía biển và dựa vào núi Trường làm điểm tựa.

Ngày nay, đến nhà thờ Nguyễn Thiện, có thể đi theo tuyến đường từ Thành phố Thanh Hóa qua huyện lỵ Quảng Xương trên tuyến đường Quốc lộ 1A, sau đó rẽ phải theo con đường liên xã từ Quảng Hòa qua Quảng Hợp đến với phòng tuyến Văn Trinh nổi tiếng xưa kia của Trần Nhật Duật trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thời Trần, từ Quảng Hợp đi tiếp đến Quảng Ngọc đến Quảng Trường nơi có di tích nhà thờ Nguyễn Thiện.

Căn cứ vào các tài liệu nhà thờ như: Sắc phong năm Minh Mạng thứ 9 (1924), bài vị, biển phù và các tài liệu gia phả của dòng họ Nguyễn tại nhà thờ, nhân vật thờ ở đây là Nguyễn Thiện (còn gọi là Nguyễn Chính Thiện, Lê Thiện, Nguyễn Tuấn Thiện (1401 - 1494).

Năm 1424, Lê Lợi mở cuộc tiến chiến lược vào Nghệ An theo kế hoạch của Nguyễn Chích để xây dựng căn cứ vững mạnh cho cuộc kháng chiến. Sau các chiến thắng Trà Lương, Bố Ái, Khả Lưu (tháng 10 năm 1424) nghĩa quân Lam Sơn đã làm chủ tình thế, vây hãm thành Nghệ An, tiến hành giải phóng các châu huyện. Chính trong khoảng thời gian này (đầu năm 1425) nghĩa quân của Lê Lợi đã tiến vào huyện Đỗ Gia (Hương Sơn), nhân dân trong vùng đã nhất tề nổi dậy giải phóng quê hương và tích cực ủng hộ nghĩa quân. Người anh hùng địa phương cầm đầu cuộc khởi nghĩa này là Nguyễn Tuấn Thiện, quê ở thôn Phúc Đậu - xã Phúc Dương (nay là xã Sơn Phúc - huyện Hương Sơn - tỉnh Hà Tĩnh) ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ, ông cha đều sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và săn bắn. Từ nhỏ ông đã mồ côi cha nên ông phải giúp mẹ kiếm ăn, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị đè nặng dưới ách thống trị của giặc Minh, Nguyễn Tuấn Thiện nuôi chí diệt thù cứu nước, ông và một số bạn bè cùng chí hướng ra sức luyện tập võ nghệ, binh pháp, chờ đợi thời cơ.

Được tin nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, Nguyễn Tuấn Thiện huy động nhân dân địa phương nổi dậy khởi nghĩa. Ông lập đội quân Cốc Sơn (núi Cốc là nơi quê hương ông) để bảo vệ xóm làng, khi quân Lam Sơn tiến vào Đồ Gia, Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy quân Cốc Sơn cùng phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng giải phóng quê hương.

Lê Lợi đã thu nạp Nguyễn Tuấn Thiện và kết nghĩa anh em. Hai người cắt tóc, giết ngựa trắng ăn thề nguyện một lòng chung sức giết giặc cứu nước. Lễ thề đơn giản những thiêng liêng được tổ chức ngay dưới gốc cây Thị ở cạnh nhà Nguyễn Tuấn Thiện.

Nguyên âm:

             Thề phát thì bạch mã

             Tuyên thệ tại thị căn

             Nguyện đồng tâm đồng chí

             Phá tặc trúc thạch bàn.

 Dịch nghĩa:

             Cắt tóc giết ngựa trắng

             Dưới gốc thị thề nguyền

             Nguyện đồng tâm đồng chí

             Phá giặc xây cơ đồ.

Từ đó Nguyễn Tuấn Thiện mang họ Lê Thiện, một tướng lĩnh xuất sắc của nghĩa quân Lam Sơn.

Tuy trong sử sách không ghi chép về Nguyễn Tuấn Thiện hay Lê Thiện, nhưng qua nhiều năm nghiên cứu, giới sử học đã thống nhất Nguyễn Thiện hay Lê Thiện là một nhân vật có thật và làm một tướng soái cao cấp của Nghĩa quân Lam Sơn. Các tài liệu chính là: Gia phả dòng họ Nguyễn ở Phúc Đậu và các nhánh khác.

Như vậy là một vài thế kỷ trước, một chi nhánh của dòng họ Nguyễn ở Hương Sơn- Hà Tĩnh đi di cư đến vùng đất Quảng Trường xưa định cư ở đây. Tại đây, trải qua nhiều đời, con cháu đã lập nhà thờ Tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện.

Các đời sau, con cháu họ Nguyễn ở Quảng Trường đã nhiều lần tấu trình lên các triều đại ban tặng sắc phong cho ông tổ Nguyễn Thiện, nhưng đến nay chỉ còn lại sắc phong của Khải Định năm thứ 9 (1924). Như vậy, Nguyễn Tuấn Thiện hay Lê Thiện là một Khai quốc công thần thời Lê đã có nhiều đóng góp lớn với dân tộc và được nhiều nơi tôn thờ cho đến nay ít nhất cho chúng ta biết được có 3 nơi thờ ông đó là: ở Hương Sơn quê ông, ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc và ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. 

Đây là loại di tích lưu niệm và tôn thờ một danh tướng. Trước đây nhà thờ tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện là một kiến trúc cổ, nhưng đến nay qua mưa nắng, thời gian ngôi nhà đó không còn nữa và hiện tại là một ngôi nhà ngói được thay thế trên nền đất cũ xưa. Phía Tây nhà thờ là dãy núi Trường, phía Nam trước mặt nhà thờ có con hón nhỏ từ núi Trường chảy ra sông tạo thành thế bao quanh nhà thờ.

Di tích nhà thờ tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương có giá trị khoa học, lịch sử hết sức quý giá. Bằng những tài liệu còn lưu trữ được ở nhà thờ như sắc phong, thần phả, bài vị và các tài liệu về danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện hay là Lê Thiện - Khai quốc công thần triều Lê đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chống quân Minh ở thế kỷ XV đưa nước ta bước vào kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến ở Việt Nam. Với giá trị lịch sử văn hóa của di tích, nhà thờ Thái Bảo Đông Quận công Nguyễn Thiện đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số: 154/QĐ-VHTT, ngày 26 tháng 4 năm 1996.

2. TỪ ĐƯỜNG HỌ VŨ (Xã Quảng Trường)

 Từ đường họ Vũ (hay nhà thờ họ Vũ) tại thôn Phúc Thượng, huyện Ngọc Sơn trước đây, nay là thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là nơi thờ Vũ Hiền, một danh tướng có nhiều công lao trải bốn triều vua: Lê Trung Tông (1549 – 1556), Lê Anh Tông (1557 – 15783), Lê Thế Tông (1573 – 1600) và Lê Kính Tông (1600 – 1619). Sách “Thanh Hóa chư thần lục” được công bố ngày 15 tháng 10 năm Thành Thái thứ 15 (1903) chép: “Vũ Hiền Đại tướng quân tôn thần, thôn Phú Thượng, huyện Ngọc Sơn thờ”. Đến di tích theo Quốc lộ 1A từ trung tâm huyện Quảng Xương đi về phía Nam khoảng 3 km đến Cống Trúc thuộc xã Quảng Bình, Quảng Ninh, rẽ theo hướng phải theo Quốc lộ 47 đến núi Văn Trinh (Quảng Hợp) đi qua chợ Hội (xã Quảng Ngọc) đến trung tâm xã Quảng Trường. Từ đây, rẽ về hướng Đông khoảng 1km là tới Từ đường họ Vũ. Các loại phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp đi đến di tích rất thuận tiện.

 Thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là một vùng đất cổ,có bề dày lịch sử văn hóa ở phía Nam huyện Quảng Xương. Phía Bắc giáp Quảng Ngọc, phía Nam giáp Sông Yên, phía Đông giáp xã Quảng Lĩnh và Quảng Khê, phía Tây giáp xã Quảng Vọng. Đây là một vùng đất có thế núi hình sông hữu tình, thơ mộng. Với ba ngọn núi: Quán Chẹt, Hòa Trường, Văn Trinh tạo thành thế chân kiềng ở vùng phía Nam của huyện giữ vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự. Hệ thống sông Lý được hình thành từ thế kỷ X – XI là tuyến đường thủy từ Bắc vào phía Nam, lại gần kề tuyến đường bộ Bắc - Nam hết sức thuận lợi. Chính vì thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất Đồng Tiến nói riêng, Quảng Trường nói chung đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, điển hình nhất là công cuộc khai khẩn đất đai trở thành điền trang thái ấp của Trần Nhật Duật ở thế kỷ XIII.

Theo Gia phả dòng họ Vũ xã Quảng Trường cho biết: Dòng họ Vũ ở làng Bao Hàm, xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình di cư vào làm ăn sinh sống ở vùng đất Quảng Trường vào thời gian nào chưa rõ, dần dần con cháu ngày càng đông đúc,trở thành một dòng họ lớn ở vùng đất này.

 Ông Vũ Hiền - không rõ sinh năm nào ? Lớn lên, ông tiến thân theo con đường binh nghiệp. Vào cuối niên hiệu Thuận Bình (1549 -  1556), đời vua Lê Trung Tông, Vũ Hiền đi theo Trịnh Kiểm đánh quân Mạc lập nhiều chiến công. Đến thời vua Lê Anh Tông, vào năm Chính Trị thứ 2 (1559), ông được phong tước Vĩnh Quốc công. Từ đó về sau ông tham gia nhiều chiến trận, từng chỉ huy quân Trịnh tiến ra đánh phá quân Mạc ở Mỹ Lương, Bất Bạc (Sơn Tây), Hữu Lũng, Phượng Nhân (Kinh Bắc)...Đến đời vua Lê Thế Tông (1573 - 1600), ông dốc lòng vì việc quân, một lòng tôn phò phụng sự cơ đồ sự nghiệp nhà Lê Trung hưng. Đến năm Quang Hưng thứ 4 (1581), ông chỉ huy đội quân đánh thắng đại quân Mạc Đôn Nhượng ở Đường Năng. Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), ông làm tướng kỳ giáp hữu dinh trong quân Trịnh Tùng dẫn 15 nghĩa quân binh tướng tiến đánh vào Cầu Dền đánh quân Mạc Mậu Hợp, bắt sống tướng Mạc là Nguyễn Quyên thu phục Đông kinh (Thăng Long). Năm Quang Hưng thứ 16 (1593), vua Lê Thế Tông trở lại kinh đô, do có nhiều công lao, ông được vua phong chức Hữu tướng. Năm Quang Hưng thứ 21 (1598),ông đem quân đánh ở dư đảng Mạc Kính Cung ở Lạng Sơn, ít lâu sau, ông được thăng chức Đại tướng quân. Năm Hoàng Định thứ 2 (1602),thời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619), nhà vua sai ông đi kinh lược xứ Hải Dương.Trong thời gian lưu trấn ở Hải Dương, ông đã đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, đồng thời chiêu dụ dân lưu tán trở về quê cũ làm ăn, khuyến khích dân chúng khôi phục sản xuất. Vì thế cuộc sống của dân chúng trong vùng được yên ổn.

Sau đó, ông được Nhà vua cho về quê nghỉ dưỡng tuổi già và ban cho quyền cai quản 1000 hộ dân (Thiên hộ) ở Lộc Trúc với 2 mục đích là vừa ghi nhớ công ơn ông trong việc trung hưng đất nước, mặt khác cũng là trông nom một vùng đất được xem là “phên dậu” phía Nam đất nước. Sau khi được ban tước cao, lộc hậu,Vũ Hiền đã về thôn Bao Hàm, xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đưa hài cốt bố đẻ của mình theo đường thủy về táng ở một thế đất đẹp (Đồng Lang) thuộc làng Lương Đồng. Đây cũng chính là trang ấp do ông Vũ Hiền khai phá.

Sau khi ông mất, dân chúng trong vùng lập đền hương khói phụng thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Nhà vua ban sắc gia phong cho ông là “Đốc đồng tướng quân”, có công “Dực bảo trung hưng” tức là phò vua giúp cho sự hưng thịnh của đất nước. (Sắc phong thời Thành Thái).

Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương: Từ đường họ Vũ xây dựng trên một khu đất cao ráo, rộng rãi thoáng mát ở làng Đồng Tiến,có diện tích khoảng 7 sào trung bộ. Từ đường được kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” (J ), bao gồm tiền đường (5 gian) và hậu cung (2 gian). Nhà tiền đường và hậu cung được làm bằng gỗ quý, tường nhà xây bằng gạch, mái lợp ngói mũi (ngói ta). Phía trước từ đường là hồ, ao (gọi là Ao đình). Trong nhà thờ bài trí nhiều đồ thờ được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từ đường họ Vũ bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng toàn bộ đồ thờ và các hiện vật của di tích đã được chuyển về thờ trong ngôi nhà người tộc trưởng Vũ Ngọc Thành để hương khói thờ phụng Đại tướng quân Vũ Hiền. Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, con cháu hậu duệ dòng tộc họ Vũ ở mọi miền đất nước và khách thập phương lại trở về bên từ đường để tổ chức lễ tế Tổ rất trang trọng.

Căn cứ nội dung, giá trị lịch sử của di tích Đại tướng quân Vũ Hiền, ngày 3 tháng 8 năm 1998, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa đã ra Quyết định số 233/QĐ-VHTT công nhận Từ đường họ Vũ, xã Quảng Trường là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Đến nay, Từ đường họ Vũ được xây dựng lại trên khu đất của từ đường cũ, với diện tích khoảng 200 m2, gồm 3 gian theo kiểu “tiền Âu – hậu Á”. Ngày 16 tháng Giêng năm Canh Dần (2010), dòng họ Vũ được phép của chính quyền địa phương đã long trọng làm lễ rước vong linh cụ Vũ Hiền cùng các vị tiên tổ từ nhà trưởng tộc về Từ đường mới xây dựng lại trên mảnh đất xưa để thờ cúng.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Quảng Xương, chính quyền xã Quảng Trường đã có Nghị quyết về lập quy hoạch xây dựng và tôn tạo khu di tích ngày một khang trang. Đó cũng là để tôn vinh và tri ân đối với các tiền nhân đã có công với nước với dân và lưu truyền cho hậu thế./.

 Trích từ: "DI TÍCH VÀ DANH THẮNG HUYỆN QUẢNG XƯƠNG" Tập 1

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG TRƯỜNG - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Ngọc Cường- Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0975.533.476

Email:ubndquangtruong@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa