Đảng bộ xã Quảng Trường- 70 năm xây dựng và phát triển (20/8/1953 – 20/8/2023)
Theo sử sách ghi lại, mảnh Đất và con người Quảng Trường được hình thành từ rất sớm với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời và rất đỗi tự hào. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Quảng Trường luôn hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam châu Á.
Theo sử sách ghi lại, mảnh Đất và con người Quảng Trường được hình thành từ rất sớm với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời và rất đỗi tự hào. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Quảng Trường luôn hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam châu Á.
Ngày 26 tháng 02 năm 1946, Chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của huyện Quảng Xương được thành lập, mở ra hướng đi mới cho phong trào cách mạng huyện nhà. Sự kiện lịch sử ấy đã tác động sâu sắc, toàn diện và trực tiếp đến phong trào cách mạng ở các xã. Đầu năm 1947, khi cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với tầm nhìn chiến lược về vị trí kinh tế và quân sự của Thanh Hóa, Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, niềm vinh dự tự hào to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Người giao cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa: “ Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu...”.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao quyết tâm xây dựng tỉnh nhà thành hậu phương vững mạnh để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Đồng thời tổ chức chiến đấu tốt để bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống.
Ngày 31 tháng 3 năm 1947 tại xã Quốc Tuấn (nay là xã Quảng Ngọc)- Huyện ủy Quảng Xương tổ chức kết nạp 2đ/c: Hà Văn Tần (làng Hòa Trường- xã Châu Phong) và Nguyễn Văn Thông (làng Gia Đại- xã Ba Đình) vào Đảng CSVN, đồng thời cử đ/c Nguyễn Văn Vơn là cán bộ huyện Quảng Xương (Quê Tĩnh Gia) về sinh hoạt đảng để đủ điều kiện thành lập chi bộ. Trên cơ sở xã có 3 đảng viên, Huyện ủy ra quyết định thành lập chi bộ Đảng, lấy tên là chi bộ Vừng Hồng, do đ/c Nguyễn Văn Vơn làm bí thư chi bộ. Đến thời điểm này Quảng Xương đã có 4 chi bộ được thành lập gồm: Chi bộ Côn Minh- xã Cao Thắng (Quảng Long), Chi bộ Bắc Giang- xã Lê Viêm (Quảng Thọ), Chi bộ Đồng Tâm- xã Hoa Lư (Quảng Chính) và Chi bộ Vừng Hồng (Quảng Ngọc).
Nhớ lại những ngày mới thành lập chi bộ Vừng Hồng (Tiền thân của đảng bộ xã Quảng Trường ngày nay) vinh dự tự hào có Đ/c Hà Văn Tần người đảng viên đầu tiên của chi bộ lúc đó là người Quảng Trường chúng ta.
Vượt qua bao khó khăn, thăng trầm, thử thách, đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng. Tập trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt, đẩy lùi nạn đói, xây dựng lực lượng du kích tạo ra những điều kiện cơ bản để bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Vừng Hồng, của Huyện uỷ và uỷ ban kháng chiến hành chính Huyện Quảng Xương. Thực hiện sắc lệnh số 91- SL tháng 4/1948, ba xã Châu Phong, Quốc Tuấn, Ba Đình sáp nhập thành xã mới đặt tên là xã Quảng Ngọc. Ngay sau khi sáp nhập đã tiến hành bầu cử HĐND xã HĐND bầu UBKC-HC xã do ông Lê Văn Tơn làm chủ tịch, ông Hứa Xuân Đềm làm phó chủ tịch.
Tháng 10/ 1948 Chi bộ Vừng Hồng tổ chức đại hội lần thứ nhất tại làng Yên Lãng (xã Quảng Ngọc), đại hội bầu đ/c Lê Kim Vỹ (làng Kỳ Vỹ) làm bí thư chi bộ. Tháng 6/1950 đại hội chi bộ Vừng Hồng lần thứ 2 được tổ chức tại làng Kỳ Vỹ. Đại hội bầu đ/c Nguyễn Ngọc Giao (làng Hòa Trường) làm bí thư chi bộ. Thời kỳ này Chi bộ tập trung lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực đặc biệt là thực hiện cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, chú trọng công tác củng cố kiện toàn các tổ chức quần chúng đi vào hoạt động tích cực.
Thực hiện chủ trương của UBKC-HC tỉnh Thanh Hóa, tháng 8/1953 xã Quảng Ngọc chia thành 2 xã là: Quảng Trường và Quảng Ngọc. Tên gọi xã Quảng Trường có từ đây. Cùng với việc chia tách xã, ngày 20/8/1953 chi bộ xã Quảng Trường được thành lập trên cơ sở chia tách chi bộ Vừng Hồng (khi chia tách chi bộ Quảng Trường có 120 Đ/c trong đó có 13 đ/c nữ, 01 đ/c là người Công Giáo). Đồng thời chi bộ Quảng Trường đại hội lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 1953-1954). Đại hội bầu đ/c Nguyễn Ngọc Vậy làm bí thư chi bộ. Tháng 8 năm 1954, đại hội chi bộ xã Quảng Trường lần thứ II (nhiệm kỳ 1954-1955) đ/c Nguyễn Ngọc Vậy được bầu làm bí thư chi bộ. Nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ Quảng Trường trong 2 nhiệm kỳ này là “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố chính quyền, phát huy vai trò các tổ chức quần chúng, phát động phong trào đẩy mạnh sản xuất huy động sức người sức của với mức cao nhất cho kháng chiến dành thắng lợi”. Cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “ Lừng lẫy năm châu- chấn động địa cầu”. Tổng kết kháng chiến chống Pháp, xã Quảng Trường có 78 người là bộ đội,108 TNXP, 296 dân công tiếp vận... trong số đó có 21 Liệt sỹ, 8 thương binh, được Đảng nhà nước tặng 108 huân huy chương các loại và nhiều bằng khen...
Bước vào thời kỳ 1955-1975 với hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta là “Xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Trước yêu cầu trong thời kỳ cách mạng mới, sự phát triển về số lượng, chất lượng sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Chi bộ, tháng 3/1961 Huyện ủy Quảng Xương ra Quyết định chuyển chi bộ xã Quảng Trường thành Đảng bộ xã Quảng Trường. Ngày 20 tháng 8 năm 1953- ngày thành lập chi bộ xã Quảng Trường đi vào lịch sử địa phương mà muôn đời chúng ta trân quý, tự hào và biết ơn. Từ đây, Đảng bộ xã Quảng Trường nhận sứ mệnh to lớn lãnh đạo các tầng lớp nhân dân bước vào thời kỳ mới vừa lao động sản xuất, xây dựng quê hương vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc và tăng cường chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân bám ruộng để sản xuất, với phong trào “3 sẵn sàng , 3 đảm đang” ; khẩu hiệu “ chắc tay cày, tay súng”, “ Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”... để tạo ra nhiều sản phẩm, thực hiện quyết tâm: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Xã đã huy động hàng ngàn ngày công đào đắp hàng ngàn mét giao thông hào, làm hàng trăm hầm trú ẩn. Tiễn đưa 825 lượt con em nhập ngũ, 135 thanh niên xung phong, 280 người là công nhân quốc phòng... , đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho nhà nước để chi viện cho tiền tuyến. Ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, hoàn toàn kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Trong thắng lợi chung đó, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trường tự hào vì đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, Quảng Trường có 90 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, 70 người là thương binh, 40 người là bệnh binh...
Ghi nhận những thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng, nhà nước đã phong tặng, truy tặng nhiều danh hiệu cao quý: 13 mẹ VNAH, 398 cá nhân được tặng thưởng huân huy chương các loại, nhiều đồng chí trưởng thành trong quân đội và đã được kết nạp vào Đảng CSVN. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Trường được tặng danh hiệu đơn vị Anh Hùng lực lượng vũ trang... Phần thưởng cao quý đó là niềm vinh dự lớn lao trước hết thuộc về nhân dân và các đồng chí đã dũng cảm, kiên cường trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thuộc về các thế hệ đảng viên trung kiên, vì nước, vì dân, truyền thống vẻ vang đó mãi mãi là nguồn lực tinh thần to lớn cỗ vũ chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hòa chung niềm vui chiến thắng mùa xuân năm 1975, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trường tiếp tục tiến vào công cuộc xây dựng quê hương trong điều kiện thuận lợi khó khăn đan xen. Giai đoạn 1975 -1985 được coi là vô cùng khó khăn trong cả nước bởi vì: chúng ta phải tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, phải đối phó vớí “Bao vây cấm vận”, “âm mưu diễn biến hoà bình” “ bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, diễn ra 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới... xác định rõ những khó khăn thách thức, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất bảo đảm lương thực thực phẩm, khắc phục hạn chế tồn tại trong khoán 100, sớm tiếp cận tư duy mới theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V là: “Thực hiện một bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp coi trọng và giải quyết hài hòa giữa ba lợi ích (nhà nước, tập thể HTX và người lao động) làm cho sản xuất bung ra”.
Bước sang năm 1986 nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ VI cuả Đảng diễn ra tại Hà Nội và thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”. Nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, quá độ lên CNXH. Đảng bộ xã Quảng Trường thực hiện tốt chỉ đạo của tổ chức Đảng cấp trên phát động đợt thi đua 3 chương trình kinh tế lớn: chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng và chương trình hàng xuất khẩu. Tính từ năm 1986- 2000 Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, thực hiện CNH, HĐH quê hương đất nước. Sau 15 năm đổi mới Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trường đã thu được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh là cơ sở nền tảng vững chắc bước vào thế kỷ XXI theo tinh thần Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ IX của Đảng đề ra.
Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trường bước vào thế kỷ XXI với quyết tâm chính trị cao nỗ lực lớn được thể hiện tại các NQ đại hội Đại Biểu Đảng bộ qua các nhiệm kỳ (từ năm 2000- năm 2025) đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đặc biệt là các giải pháp thực hiện trên các lĩnh vực. Việc quán triệt , triển khai tổ chức thực hiện Nghị Quyết đã có nhiều đổi mới sát với thực tế, phù hợp với điều kiện, khả năng và lợi thế của địa phương. Chính vì vậy chúng ta đã đạt được nhiều thành tích: Kinh tế có bước tăng trưởng khá (từ 8% năm 2001 lên 15,2% năm 2022, thu nhập bình quân từ 3,8 triệu năm 2001 lên 59,1 triệu năm 2022). Văn hóa xã hội phát triển tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được xây dựng phát triển ngày càng vững mạnh, xã đã hoàn thành xây dựng NTM năm 2016. Sáp nhập 8 thôn thành 4 thôn vào năm 2018, đến nay có ¾ thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao... Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới, NTM nâng cao hiện hữu trên quê hương chúng ta.
Chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm qua, Đảng bộ xã Quảng Trường không ngừng phát triển trưởng thành. Từ 3 đảng viên cội nguồn của năm 1947 đến nay chúng ta hiện có 322 đảng viên sinh hoạt ở 8 chi bộ, hầu hết các đồng chí đảng viên có trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông, hơn 100 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học, có nhiều cán bộ, sỹ quan quân đội hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu tại địa phương... hơn thế nữa chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý qua 28 kỳ đại hội với tinh thần: lấy dân làm gốc, phải biết dựa vào dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân, phải có tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng là niềm tin niềm tự hào để Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trường tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhiệm vụ thời gian tới đặt lên vai Đảng bộ và nhân dân trong xã là dương cao gọn cờ truyền thống của quê hương đã đang và tiếp tục cổ vũ động viên mỗi chúng ta quyết tâm lập nên nhiều thành tích viết tiếp những trang sử mới của quê hương Quảng Trường thân yêu.
Hôm nay đây và mãi mãi về sau, chúng ta luôn ghi nhớ và tự hào về sự kiện ra đời của chi bộ Vừng Hồng (Ngày 31/3/1947), chi bộ Quảng Trường (Ngày 20/8/1953).
Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ, Ban chấp hành Đảng bộ kêu gọi toàn thể cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp hãy phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ vận hội mới, quyết tâm xây dựng xã Quảng Trường thành “xã kiểu mẫu”. Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.