Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Bài truyền thông "Bệnh thủy đậu- nguyên nhân và cách phòng tránh"

1. Nguyên nhân gây bệnh.

Thuỷ đậu là một bệnh ngoài da do vi rút gây ra rất thường gặp ở trẻ em. Đa số trẻ em mắc thuỷ đậu trước 15 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Thuỷ đậu thường nặng hơn khi xảy ra ở người lớn và ở trẻ nhỏ. Mùa đông xuân là thời gian các trường hợp thuỷ đậu xảy ra nhiều nhất.

Hiện nay các cháu lớp A1 Trường mầm non xã Quảng Trường đã có nhiều cháu mắc bệnh thủy đậu

Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ như sau.

2. Cách lây lan của bệnh thuỷ đậu.

Thuỷ đậu lây truyền rất nhanh. Nó rất dễ lây lan giữa các thành viên trong gia đình và giữa các học sinh cùng trường khi hít phải những giọt nước bọt lơ lửng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các mụn nước và vết lở trên da người bệnh. Nó còn có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết phỏng nước. Bệnh nhân có thể truyền bệnh cho người khác 5 ngày trước và sau khi phát ban và không còn lây lan nữa khi các mụn nước khô vảy.

3. Triệu chứng và dấu hiệu của thủy đậu.

Triệu chứng thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 10 đến 21 ngày.

- Sốt nhẹ từ 1-2 ngày, cảm giác mệt mỏi toàn thân và phát ban (thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh).

- Thoạt đầu ban nhìn giống ban sởi mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định: Ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nốt phỏng rất nông, trông như giọt sương.

          Các nốt thuỷ đậu thường thưa, mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày. Do đó, ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt đậu độ tuổi khác nhau: nốt to, nốt nhỏ, nốt đỏ, nốt phỏng, nốt đã đóng vẩy. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ làm mủ, sưng to và rất ngứa làm bệnh nhân gãi trầy da, để lại sẹo sâu.

4. Điều trị.

- Trước tiên, bệnh nhân phải được khám, cách ly, theo dõi tại cơ sở y tế. Trong suốt thời gian bị bệnh trẻ phải nghỉ học. Bệnh nhân và những người chăm sóc phải mang khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng. Phải rửa sạch tay bằng xà phòng. Áo quần, khăn mặt... người ốm cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là. Phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc... người bệnh.

- Điều trị thuỷ đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng như: Chống ngứa, hạ sốt và giảm đau bằng Paraxetamol, không bao giờ được dùng át-pi-rin hoặc những thuốc có chứa át-pi-rin cho trẻ em.

- Tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng trung tính sẽ bớt ngứa. Có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm da. Không được bôi mỡ tê-tra-xy-cờ-lin, mỡ pê-ni-xy-lin hay thuốc đỏ.

- Ngoài ra, cần áp dụng một số biện pháp như: Cắt sát móng tay để tránh tổn thương da do gãi và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.

Một số trường hợp thuỷ đậu có thể dùng thuốc kháng vi rút để rút ngắn thời gian của bệnh. Thuốc chỉ hiệu quả nếu được dùng sớm, trong thời gian từ 1-2 ngày khi bắt đầu phát ban thuỷ đậu. Thường được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh nguy hiểm kèm theo.

5. Các biến chứng.

- Thuỷ đậu có thể gây biến chứng. Khi các mụn nước vỡ ra và bị nhiễm trùng có thể gây sẹo xấu, đặc biệt khi bệnh nhân gãi nhiều ở vùng tổn thương.

- Nhiễm trùng da là biến chứng của thuỷ đậu thường gặp nhất ở trẻ em.

- Tổn thương thần kinh trung ương bao gồm những rối loạn ở tiểu não, viêm não, tổn thương thần kinh và hội chứng Rây (kết hợp tổn thương gan và não khả năng gây tử vong, có thể xảy ra do dùng át-pi-rin ở trẻ em).

- Các biến chứng đặc biệt nặng có thể xảy ra trên bệnh nhân AIDS, lu-pút, bệnh bạch cầu và ung thư. Trẻ sơ sinh có mẹ bị thuỷ đậu ở 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ chịu những nguy cơ cao của bệnh. Nếu mẹ phát bệnh thuỷ đậu 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi sanh, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh có thể lên đến 30%.

6. Phòng bệnh thủy đậu.

Người đã bị thuỷ đậu sẽ có miễn dịch suốt đời và không bao giờ bị lại. Nhưng nhiều khi về sau, vi rút có thể bột phát trở lại dưới dạng bệnh Zona (giời leo). Bệnh thuỷ đậu có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Đối với người lớn chưa bị thuỷ đậu, có thể tiêm phòng vào bất cứ lúc nào. Tất cả trẻ em, trừ những trẻ suy giảm miễn dịch, đều nên được tiêm vắc xin phòng thuỷ đậu tại các cơ sở y tế.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG TRƯỜNG - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Ngọc Cường- Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0975.533.476

Email:ubndquangtruong@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa