Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TẠI CỘNG ĐỒNG

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung Uơng, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi); trong 02 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2022 đến nay đã xảy ra 02 ca tử vong do bệnh Dại và khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng.

Tại huyện Quảng Xương số người bị chó mèo cắn đến phòng tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện đăng ký tiêm phòng Dại hàng tuần từ 2 đến 5 người.

1. Thời gian ủ bệnh của bệnh Dại:  Người bị con vật nhiễm virus dại cắn sẽ ủ bệnh trong khoảng 2-8 tuần lễ (có thể chỉ khoảng 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài 1 năm, thậm chí lâu hơn). Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn.

2. Biểu hiện của bệnh Dại: người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện như: Bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, bị ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy mọi thứ), lú lẫn, hành vi hung hăng, co thắt cơ bắp, khó thở, nuốt khó, tiết nhiều nước bọt, sủi bọt ở miệng, tê liệt, ngưng tim ngưng thở, tử vong.

3. Bệnh Dại lây từ người sang người : Người mắc bệnh dại là do virus dại từ nước dãi của súc vật nhiễm bệnh truyền vào cơ thể qua vết cắn (hoặc vết cào, vết rách, xước trên da, thậm chí qua niêm mạc còn lành lặn). Sự lây truyền bệnh dại từ người sang người có thể xảy ra nếu trong nước dãi của người bị bệnh có virus dại và truyền qua người lành qua vết cắn.

4. Cách xử trí vết thương do xúc vật cắn tại nhà

 Khi bị chó, mèo cắn phải rửa kỹ vết thương ngay bằng nước xà phòng, dội  nước sạch nhiều lần, không nên băng kín vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và  xử lý kịp thời.

Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh Dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh Dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương  khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

          - Không tiếp xúc, vuốt ve, ôm các con vật nuôi xa lạ, vì chúng có thể bất ngờ cắn người muốn tiếp cận với chúng.
          - Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo, vật nuôi.
          - Diệt động vật, gia súc nghi bị súc vật dại cắn. Chó nuôi phải xích, nhốt, chó ra đường phải đeo rọ mõm.

- Người bị chó, mèo, cắn phải nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng càng sớm càng tốt.

          Địa điểm tiêm vắc xin phòng dại: Trung tâm y tế huyện Quảng Xương

Địa chỉ: Thôn Trung Phong- Thị trấn Tân Phong- Huyện Quảng Xương- tỉnh Thanh Hóa.

          Người lớn và trẻ em khi đến tiêm tại Trung tâm đều được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm, được tư vấn đầy đủ thông tin vắc xin và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc khi ra về.

Hãy chủ động phòng chống bệnh dại vì một sức khỏe không tử vong

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG TRƯỜNG - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Ngọc Cường- Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0975.533.476

Email:ubndquangtruong@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa